Nhận xét Tam_tòng,_tứ_đức

Những quy định này được giai cấp thống trị phong kiến sử dụng để giáo hóa người phụ nữ với mục đích ổn định xã hội, bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị và vai trò của nam giới. Giáo sư Vũ Khiêu cho rằng: "Phải chăng ở đây cái "ngu trung" lại được vận dụng vào việc giữ gìn tiết hạnh của người phụ nữ, hay là ngược lại, cái giữ gìn tiết hạnh của người phụ nữ lại trở thành tấm gương soi cho các bậc trung thần"[10][11].

Bên cạnh đó, thuyết tam tòng, tứ đức được xây dựng theo hình thức gia huấn ca, hương ước làng xã Việt Nam và văn học dân gian tiêu biểu là ca dao, tục ngữ, dân ca nhằm giáo dục đạo đức cho người phụ nữ. Sự ảnh hưởng đó biểu hiện trên cả hai bình diện cả tích cực và tiêu cực. Về mặt tích cực thể hiện ở những điểm sau[10]:

  • Giáo dục ý thức cho người phụ nữ tôn trọng kỷ cương, nền nếp gia đình để ổn định trật tự xã hội, giúp cho giá trị của người phụ nữ được nâng cao, không phân biệt đẳng cấp, địa vị, giàu nghèo. Nó góp phần tích cực trong việc giáo dục các phẩm chất đạo đức cá nhân tốt đẹp cho phụ nữ, làm nên những phẩm chất đạo đức truyền thống quý báu của người phụ nữ Việt Nam: Nhẫn nại, hy sinh, tần tảo một nắng hai sương, chịu thương chịu khó; thuỷ chung son sắc, hết lòng vì chồng vì con; vị tha, nhân hậu, giản dị, trọng nghĩa trọng tình; hiếu thảo; hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích gia đình, dòng tộc.
  • Góp phần giáo dục người phụ nữ hoàn thiện bản thân theo các đức Công - Dung - Ngôn - Hạnh đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội hiện đại (không chỉ đảm đang công việc gia đình mà còn tham gia vào công việc xã hội và góp phần vào sự phát triển của xã hội)